GIỚI THIỆU VỀ MẠNG CATV Truyền hình cáp dân dẫn (Cable Television – CATV), thường được gọi là truyền hình cáp hữu tuyến là một mạng truyền hình trong đó tín hiệu được truyền qua những dây dẫn để đến tivi. Dây dẫn được đề cập ở đây có thể là cáp quang hoặc cáp đồng trục, trong thực tế mạng CATV là một mạng lai giữa cáp đồng trục và cáp quang (Hybrid Fiber Coaxial – HFC)
Trong quá trình xây dựng mạng truyền hình vô tuyến quảng bá, các nhà kỹ thuật truyền hình vấp phải một vấn đề khó giải quyết là vùng tối thu sóng truyền hình ở những khu vực có nhiều đồi núi, tín hiệu truyền hình bị che khuất. Giải pháp được đề nghị là nền tảng của công nghệ CATV ngày nay. Tín hiệu được thu tại những địa điểm có sóng tốt, sau khi được xử lý tại phòng máy, tín hiệu sẽ được dẫn đến các hộ thuê bao bằng dân dẫn.
Chương trình cho mạng CATV được thu từ nhiều nguồn khác nhau, tại headend tín hiệu của mỗi chương trình sẽ được điều chế để mỗi tín hiệu được đưa vào một kênh riêng biệt. Headend còn có nhiệm vụ tạo ra nguồn tín hiệu quang mang các chương trình để phát lên mạng. Tại node quang, tín hiệu quang sẽ được chuyển thành tín hiệu RF. Sau node quang, mạng cáp đồng trục có nhiệm vụ truyền tín hiệu RF đến các hộ gia đình.
ƯU, NHƯỢC ĐIỂM CỦA TRUYỀN HÌNH CÁP Để có một cái nhìn tổng quan về mạng cáp CATV, chúng ta hãy thử phân tích các ưu và nhược điểm chính của mạng truyền hình cáp hữu tuyến so với truyền hình vô tuyến.
Ưu điểm:
- Phổ tần số thường được sử dụng trong mạng CATV 87-860MHz, với độ rộng phổ như vậy mạng truyền hình cáp hữu tuyến cung cấp một số lượng kênh hơn hẳn so với truyền hình vô tuyến.
- Trong mạng CATV, tín hiệu được truyền trong cáp quang và cáp đồng trục do vậy hạn chế sự xâm nhập của nhiễu và giảm thiểu được sự ảnh hưởng của thời tiết lên chất lượng tín hiệu.
- Chất lượng mạng truyền hình cáp hữu tuyến không bị ảnh hưởng bởi địa hình, không bị che chắn bởi nhà cao tầng. CATV đặc biệt phù hợp các đô thị đông dân cư.
- Mạng CATV không sử dụng anten góp phần tăng vẻ mỹ quan cho các thành phố.
- Có thể tích hợp các dịch vụ cộng thêm: thoại, internet, video on demand, … trên mạng truyền hình cáp.
Nhược điểm:
- Việc triển khai mạng cáp hữu tuyến tốn rất nhiều chi phí, thời gian và công sức.
- Mạng cáp CATV chỉ phù hợp với những khu đông dân cư do vậy không thể triển khai cho một khu vực rộng lớn.
- Mặc dù chất lượng tín hiệu trong mạng cáp là khá tốt nhưng do sử dụng công nghệ analog nên vẫn còn kém hơn nhiều so với tuyền hình kỹ thuật số.
THỰC TRẠNG TRIỂN KHAI MẠNG CATV TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH Có thể nói rằng tại thành phố Hồ Chí Minh cuộc chiến giữa những công nghệ truyền hình diễn ra sôi động nhất trong cả nước. Các công nghệ truyền hình tiên tiến lần lượt được triển khai trên địa bàn.
Năm 1993, công ty Truyền hình Cáp Sài Gòn Tourist SCTV đã triển khai hai dịch vụ truyền hình trả tiền đầu tiên là MMDS và CATV.
Năm 2001, Đài phát thanh truyền hình Bình Dương triển khai công nghệ truyền hình số mặt đất bao phủ một địa bàn rộng lớn bao gồm cả thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 2003, Đài truyền hình Thành phố HCM lên sóng truyền hình số.
Tháng 10/2004, Đài Truyền hình Việt Nam triển khai công nghệ truyền hình số qua vệ tinh (DTH), phủ sóng toàn quốc.
Tháng 4/2005, Công ty Đầu tư và Phát triển công nghệ truyền hình Việt Nam (VTC) là đơn vị thứ 3 khai thác dịch vụ truyền hình kỹ thuật số khu vực TPHCM.
Tháng 5/2005, Đài Truyền hình TPHCM đưa vào hoạt động hệ thống CATV (HTVC) và Hyper cable.
Tháng 3/2006, Công ty Cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom) đưa vào khai thác dịch vụ Truyền hình Băng rộng cho phép xem 32 kênh truyền hình qua máy tính bằng thiết bị giải mã nối mạng ADSL của FPT Telecom.
Cuộc đua giữa những nhà cung cấp vẫn đang tiếp diễn và chưa có dấu hiệu dừng lại, nhưng vào thời điểm hiện tại, ưu thế của cuộc đua dường như đang nghiên về công nghệ CATV với hai nhà khai thác chính là SCTV và HTVC. SCTV được coi là một đại gia trong lĩnh vực này do có lịch sử phát triển lâu dài của mình. HTVC mặc dù được sinh sau nhưng nhờ chính sách đúng đắn và những phương châm kinh doanh phù hợp nên ngày càng chiếm lĩnh thị trường và sự tín nhiệm của khách hàng.
Sự cạnh tranh giữa hai đại gia này cũng không kém phần sôi động, đầu tiên là sự cạnh tranh về giá, tiếp đến là sự cạnh tranh về những kênh độc quyền và những dịch vụ cộng thêm trên mạng.
DỊCH VỤ CỘNG THÊM TRONG MẠNG CATV Phần lớn kênh truyền hình phát trong mạng cáp hiện nay sử dụng kỹ thuật tương tự (analog). Như chúng ta đã biết truyền hình kỹ thuật số (digital) cho chất lượng hơn hẳn so với kỹ thuật analog. Nắm bắt được vấn đề này các công ty đang dần triển khai dịch vụ truyền hình cáp kỹ thuật số trên mạng cáp của mình.
Để xem được dịch vụ mới này khách hàng cần đầu tư thiết bị giải mã bao gồm một đầu thu kỹ thuật số (set top box) và một smart card. Giá thành hiện nay của bộ giải mã còn khá đắt, đây chính là nguyên nhân làm cho truyền hình cáp kỹ thuật số chưa được triển khai rộng rãi trong thực tế.
Việc cung cấp tín hiệu truyền hình cáp đến từng thuê bao, đó là việc cung cấp tín hiệu một chiều, từ headend đến khách hàng. Với những thiết bị phù hợp, mạng CATV có thể cung cấp các dịch vụ tương tác hai chiều, từ khách hàng có thể gửi các yêu cầu, gửi các thông tin đến headend. Một trong những ứng dụng tương tác hai chiều đã triển khai ở nước ta là internet băng thông rộng trên mạng truyền hình cáp.
Để thực hiện được điều này thì các thiết bị trên mạng truyền hình cáp phải đảm bảo truyền được thông tin hai chiều. Ngoài ra tại đầu cuối, thuê bao cần có modem cáp để chuyển đổi dữ liệu theo chuẩn truyền dữ liệu trên mạng cáp (theo chuẩn DOCSIS - Data Over Cable Service Interface Specification) và tại headend phải có bộ CMTS (Cable Modem Termination System) để kết nối với nhà cung cấp dịch vụ Internet.